Kế hoạch tác chiến Mặt_trận_Baltic_(1941)

Quân đội Đức Quốc xã

Sau chiến tranh, thống chế Erich von Manstein nhớ lại trong hồi ký của mình:

Cụm tập đoàn quân "Bắc" được giao nhiệm vụ sử dụng những lực lượng chủ yếu từ Đông Phổ tấn công vào vùng Pribaltic để tiêu diệt lực lượng đối phương và sau đó bắt đầu triển khai các cuộc tấn công vào Leningrad. Theo phương án hành động, tập đoàn quân xe tăng 4 được lệnh phải nhanh chóng đánh chiếm các tuyến đường giao thông trên vùng hạ lưu sông Dvina đến Dvinsk, đánh chiếm các cây cầu bắc qua sông Dvina để tiến nhanh hơn nữa đến khu vực Opochka. Tập đoàn quân 16 tấn công thông qua Kovno để nhanh chóng tiến theo sau tập đoàn quân xe tăng 4. Tập đoàn quân 18 phối hợp với cánh trái của tập đoàn quân xe tăng 4 tấn công theo hướng chung tới Riga.
— Erich von Manstein, [9]

Trên hướng Vilnius, cánh trái của Tập đoàn quân xe tăng 3 thuộc Cụm tập đoàn quân Trung tâm có nhiệm vụ phá vỡ tuyến phòng ngự của quân đội Liên Xô, chiếm các bến vượt qua sông Neman tại AlytusMerkinė; sau đó quay xuống phía Nam đánh vòng vào sau lưng Phương diện quân Tây của Liên Xô.[10]

Binh lực của Cụm tập đoàn quân "Bắc" tại thê đội 1 gồm 26 sư đoàn, trong đó, nòng cốt là Tập đoàn quân xe tăng 4 gồm 3 sư đoàn xe tăng, 4 sư đoàn cơ giới và 1 sư đoàn bộ binh. Tập đoàn quân xe tăng 4 có nhiệm vụ giáng một đòn cực mạnh vào chỗ tiếp giáp giữa Tập đoàn quân 8 và Tập đoàn quân 11 (Liên Xô) tại khu vực Raseiniai - Kėdainiai, chia cắt hai tập đoàn quân Liên Xô và phối hợp với Tập đoàn quân 16 trên cánh phải của Cụm tập đoàn quân Bắc (Đức) bao vây Quân đoàn bộ binh 16 (Liên Xô) tại các khu phòng thủ biên giới. Trong giai đoạn tiếp theo, Tập đoàn quân xe tăng 4 vượt sông Tây Dvina tiếp tục khoan sâu lỗ đột phá theo hướng Pskov để Tập đoàn quân 18 tấn công dọc theo vùng bờ biển Baltic, bao vây và hất Tập đoàn quân 8 (Liên Xô) ra biển. Tập đoàn quân 16 có nhiệm vụ che chắn sườn phải cho Tập đoàn quân xe tăng 4 trong quá trình tấn công và phối hợp với Tập đoàn quân xe tăng 3 trên cánh trái của Cụm tập đoàn quân Trung tâm (Đức) bao vây Tập đoàn quân 11 (Liên Xô) tại khu vực Vilnius. Trong giai đoạn 2, Tập đoàn quân 16 (Đức) sẽ tấn công song hành với Tập đoàn quân xe tăng 4 lên hướng Opochka. Mục tiêu cuối cùng của Cụm tập đoàn quân Bắc (Đức) là thành phố Leningrad (nay là Sankt-Peterburg).[11]

Quân đội Liên Xô

Ngoài Tập đoàn quân 27 bố trí tại Latvia, các quân đoàn cơ giới và các sư đoàn dự bị bố trí cách biên giới mới từ 100 đến 150 km trên tuyến biên giới cũ, phần lớn lực lượng chủ yếu của Phương diện quân đều bố trí trên tuyến biên giới mới. Chỗ yếu nhất của tuyến phòng thủ biên giới của quân đội Liên Xô nằm tại khu vực phòng thủ của Tập đoàn quân 11 tiếp giáp với Tập đoàn quân 10 tại khu vực Grodno - Suwałki, ngay phía Bắc vùng đất cao Białystok, hình thành một mũi nhô về phía quân Đức. Tuyến phòng thủ tại đây không đủ sâu và mạnh, rất dễ bị quân Đức đánh bọc sườn. Ngoài ra, hướng Đông Phổ cũng chỉ có Tập đoàn quân 8 phòng thủ, trong khi thê đội 2 của Quân khu đặc biệt Pribaltic trên hướng này là Tập đoàn quân 27 lại đóng ở tận Riga. Khi chiến tranh nổ ra, tập đoàn quân 27 phải mất hai ngày mới cơ động đến được tuyến biên giới thì chiến sự đã ở phía Bắc Kaunas. Do không được chuyển trạng thái chiến đấu kịp thời nên đến thời điểm nổ ra, các sư đoàn bộ binh ở đây chỉ có trong biên chế từ 6.000 đến 8.000 người, trong khi biên chế thời chiến ít nhất phải có 12.000 người.[12]

Qua thông tin tình báo, Bộ chỉ huy Tập đoàn quân Bắc (Đức) biết được Quân khu đặc biệt Pribaltic (Liên Xô) đã bố trí tại tuyến đầu 31 sư đoàn bộ binh và 8 sư đoàn xe tăng, cơ giới và số lượng xe tăng, xe bọc thép lên đến 1.625 chiếc. Tuy nhiên, cả hai quân đoàn cơ giới 3 và 12 (Liên Xô) chỉ có 19 xe tăng hạng nặng KV-2 và 50 xe tăng T-34, còn lại là các xe tăng kiểu cũ có sức chiến đấu kém và thường gặp trục trặc kỹ thuật. Vào thời điểm bắt đầu cuộc chiến, chỉ có 63% số xe tăng của Phương diện quân Tây Bắc ở trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu. Số còn lại đang trong thời kỳ bảo dưỡng và sửa chữa tại các xưởng và trạm. Trong đó, có hơn 200 xe tăng Т-26, ОТ-26, Т-37 và Т-38 đã cũ sau nhiều năm sử dụng đang chờ sửa chữa lớn.[13]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Mặt_trận_Baltic_(1941) http://www.armchairgeneral.com/rkkaww2/maps/1941NW... http://www.armchairgeneral.com/rkkaww2/maps/1941NW... http://www.armchairgeneral.com/rkkaww2/maps/1941NW... http://rus-sky.com/history/library/w/w06.htm#_Toc5... http://ww2stats.com/cas_ger_okh_dec41.html http://data.lnb.lv/nba01/Tevija/1941/Tevija1941-05... http://upload.wikimedia.org/wikipedia/commons/d/dd... http://upload.wikimedia.org/wikipedia/commons/e/ed... http://militera.lib.ru/h/1941/03.html http://militera.lib.ru/h/achkasov_pavlovich/04.htm...